Xét nghiệm tiền sản giật và những điều cần lưu ý về tiền sản giật

Việc xét nghiệm tiền sản giật là vô cùng cần thiết để đánh giá sức khỏe của thai phụ.  Cùng tìm hiểu về tiền sản giật cũng như phương pháp xét nghiệm tiền sản giật nhé!

1. Khái quát về tiền sản giật

Trước khi tìm hiểu về quy trình và những đối tượng cần làm xét nghiệm tiền sản giật, nếu bạn chưa biết đây là hiện tượng gì thì hãy tham khảo những thông tin tổng quan sau.

Tiền sản giật là gì?

Có ba nguyên nhân gây tử vong ở thai phụ: tiền sản giật, nhiễm trùng và xuất huyết. Trong đó tiền sản giật là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 2 – 5% ở phụ nữ mang thai.

Tiền sản giật là tình trạng protein niệu tăng và huyết áp tăng ở thai phụ mà nếu không được phát hiện và điều trị có thể sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm. tiền sản giật còn là dấu hiệu cho thấy cơ thể mẹ đang có cơ quan khác đang bị tổn thương, nhất là thận.

Tiền sản giật
Vì mức độ nguy hiểm mà xét nghiệm tiền sản giật là rất cần thiết ở phụ nữ mang thai

Những dấu hiệu của tiền sản giật

Nếu bạn có những dấu hiệu dưới đây, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ và làm xét nghiệm tiền sản giật kịp thời vì chúng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc:

– Tay, chân, mặt đột ngột bị phù hoặc phù toàn thân.

– Đầu đau dữ dội.

– Đau bụng trên.

– Thị lực giảm sút, đôi khi có thể mất thị lực tạm thời.

– Buồn nôn, nôn, đau đầu.

– Nước tiểu có màu đục, đi tiểu ít.

– Khó thở.

Khi đó, bạn sẽ được tiến hành những kiểm tra lâm sàng để đánh giá sơ bộ về tình trạng sức khỏe, bao gồm:

– Đo huyết áp: Khi mang thai, huyết áp luôn được theo dõi kỹ. Do đó, nếu có sự bất thường về huyết áp, bác sĩ lập tức sẽ tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý.

– Kiểm tra cân nặng: Việc tăng cân quá nhanh khi đang mang thai cũng là một dấu hiệu bất thường và cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

– Sau khi có kết quả kiểm tra lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định người mẹ làm thêm xét nghiệm tiền sản giật để có chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp.

Hậu quả của tiền sản giật

Hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi trong tử cung: Do tiền sản giật làm ảnh hưởng đến những mạch mang máu đến nuôi thai, thai nhi không nhận đủ máu, đủ oxy và đủ chất dinh dưỡng nên chậm tăng trưởng, sinh non.

Bong nhau thai: Nếu tình trạng bong nhau thai nặng có thể đe dọa đến mạng sống của cả 2 mẹ con.

Sinh non: Để giữ mạng sống của con, có thể bạn phải sinh sớm. Điều nãy cũng đồng nghĩa với vấn đề hô hấp cũng như những cơ quan khác của bé sẽ bị ảnh hưởng.

Sản giật: sản phụ sẽ bị sản giật nếu không kiểm soát được tiền sản giật, biểu hiện là co giật liên tục rồi dần đi vào hôn mê. Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm mà nếu không được xử lý kịp, có thể sản phụ sẽ co giật đến tử vong.

Bệnh tim mạch: Khi bị tiền sản giật, trong tương lai có thể bạn sẽ mắc những bệnh về tim và mạch. Nguy cơ mắc càng cao nếu bạn mắc tiền sản giật nhiều lần. Để hạn chế, hãy duy trì cân nặng ổn định sau sinh và nói không với thuốc lá.

Những tổn thương khác: Ngoài những tổn thương trên, tiền sản giật còn để lại những tổn thương về thận, gan, phổi hoặc mắt. Nó còn có thể gây ra đột quỵ hoặc những tổn thương về não. Do đó, làm xét nghiệm tiền sản giật để đánh giá kịp thời tình trạng là rất quan trọng.

Tiền sản giagt65 nguy hiểm cho mẹ và con
Nếu bị tiền sản giật, mẹ phải sinh non để giữ gìn mạng sống

2. Xét nghiệm tiền sản giật

Quy trình xét nghiệm tiền sản giật

Bước 1: Lấy những thông tin về tiền sử bệnh, cân nặng, chiều cao, tuổi tác của thai phụ. Ngoài ra, phải lấy thêm tiền sử bệnh của những người trong gia đình.

Bước 2: Xét nghiệm máu

Mục đích của xét nghiệm máu là để đo nồng độ PLGF – chất do nhau thai tiết ra có chức năng điều hòa mạch máu của bánh nhau và nội mô của mẹ. Ở những thai phụ bình thường, PLGF tăng ở 2 quý đầu và giảm ở quý 3. Nhưng với những bà mẹ có nguy cơ mắc tiền sản giật, trong suốt thai kỳ PLGF liên tục giảm.

Cũng thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ có thể đánh giá chức năng gan, thận, lượng tiểu cầu trong máu nhằm xem xét quá trình hồi phục vết thương và giữ chức năng đông máu.

Cũng nhờ việc xét nghiệm máu, có thể phát hiện tán huyết, tức tế bào máu đỏ tăng, số lượng tiểu cầu và men gan cao.

Xét nghiệm tiền sản giật
Xét nghiệm máu là một bước quan trọng để xét nghiệm tiền sản giật

Bước 3: Tiến hành đo huyết áp động mạch trung bình. Cách đo như sau:

– Sản phụ ngồi đúng tư thế mà bác sĩ đã chỉ dẫn. Hai tay đặt ngang tim, chân chạm đất, giữ tâm lý thoải mái.

– Đo huyết áp 2 tay cùng lúc rồi lấy giá trị trung bình.

– Huyết áp động mạch trung bình sẽ được tính bằng công thức sau: huyết áp động mạch trung bình = (huyết áp tâm thu – huyết áp tâm trương)/3 + huyết áp tâm trương.

Bước 4: Xét nghiệm nước tiểu

Tỷ lệ protein hay creatine được đào thải qua nước tiểu là những thông số quan trọng để đánh giá mức độ tiền sản giật.

Cũng thông qua xét nghiệm nước tiểu, nếu lượng đạm trên 300mcg, bác sĩ có thể đánh giá những tổn thương của thận do tiền sản giật gây ra.

Bước 5: Siêu âm thai

Đây cũng là một trong những cách để xét nghiệm tiền sản giật. Thông qua siêu âm thai, bác sĩ có thể đánh giá sự phát triển của thai, đo cân nặng, kiểm tra nước ối và quan trọng nhất là đo trở kháng động mạch tử cung. Nếu kháng động mạch tử cung tăng tức bạn có nguy cơ mắc bệnh.

Những đối tượng nên tiến hành xét nghiệm tiền sản giật

– Mang thai lúc dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi.

– Có tiền sử cao huyết áp, béo phì.

– Bản thân có tiền sử mắc tiền sản giật hoặc gia đình có người mắc tiền sản giật.

– Mang thai lần đầu, mang đa thai.

– Mắc những bệnh lý về buồng trứng, tiểu đường thai kỳ, lupus ban đỏ,…

Ý nghĩa của xét nghiệm tiền sản giật

Đây không phải là chẩn đoán mà là mang ý nghĩa như một xét nghiệm tầm soát.

Độ chính xác của xét nghiệm lên tới 90%.

Cho biết những thai phụ dưới 32 tuần và trên 37 tuần có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hay thấp.

Nếu kết quả xét nghiệm tiền sản giật nguy cơ thấp, tức thai phụ không xuất hiện tiền sản giật. Nhưng đừng chủ quan. Hãy khám thai và theo dõi bình thường. Bởi xét nghiệm vẫn còn 10% nguy cơ.

Nếu kết quả có nguy cơ cao: Thai phụ sẽ được theo dõi từ đó đến lúc kết thúc thai kỳ và sẽ được can thiệp vào lúc thích hợp bởi hậu quả của tiền sản giật là rất lớn.

3. Phòng ngừa tiền sản giật như thế nào?

Nếu bạn có chỉ số BMI trên 25, hãy có kế hoạch giảm cân để không bị thừa cân, béo phì.

Tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá.

Kiểm soát lượng đường và huyết áp.

Bổ sung DHA, EPA cũng như những thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, óc chó, hạt vừng, bắp cải.

Bổ sung đủ canxi. Có thể bạn chưa biết, nếu cơ thể đủ canxi, bạn có thể giảm gần 50% nguy cơ mắc tiền sản giật. Những thực phẩm chứa nhiều canxi bạn có thể bổ sung vào thực đơn mỗi ngày như sữa và các sản phẩm từ sữa, măng tây, rau diếp, đậu bắp,..

Bổ sung vitamin D. Cũng tương tự như canxi, vitamin D làm giảm 27% nguy cơ mắc căn bệnh này. Để bổ sung vitamin D, bạn có thể ăn những thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, nấm hương,…

Ngoài ra, bạn phải theo dõi sát sao để có thể kịp thời kiểm tra, làm xét nghiệm tiền sản giật và điều trị kịp thời.

Bổ sung canxi
Bổ sung đầy đủ canxi có thể giảm 50% nguy cơ mắc tiền sản giật

Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến tiền sản giật cũng như quy trình xét nghiệm tiền sản giật. Tiền sản giật như một cơn ác mộng đối với các mẹ bầu. Vì vậy các mẹ hãy quan tâm đến cơ thê nhiều hơn để gìn giữ thiên chức làm mẹ của mình cũng như bảo vệ cho những thiên thần nhỏ. Chúc các mẹ và bé sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc..