Nổi mề đay sau sinh ở mẹ bỉm bao lâu thì hết hoàn toàn?

Nổi mề đay sau sinh là điều không mẹ bỉm nào mong muốn nhưng nếu đã lỡ bị thì bao lâu sẽ lặn và khỏi hoàn toàn? Mẹ bỉm có thể chữa khỏi bằng cách nào? Đáp án của những câu hỏi này có ngay trong bài viết này!

Mẹ bỉm rất dễ bị nổi mề đay sau sinh

Nổi mề đay sau sinh lặn hết trong bao lâu?

Nổi mề đay sau sinh đa phần bắt nguồn từ các phản ứng dị ứng và cơ thể mẹ bỉm cần thời gian để loại bỏ chất hoặc cải thiện nguyên nhân gây nên dị ứng. Thế nên, thời gian mề đay lặn phụ thuộc vào nguyên nhân khiến mẹ bỉm bị nổi mề đay.

Nổi mề đay ở một số mẹ bỉm sẽ lặn sớm nhất là trong vài ngày. Nếu mẹ bị nổi mề đay mức độ nặng thì cơ thể sẽ cần nhiều thời gian loại bỏ chất hoặc tác nhân gây dị ứng hơn bình thường. Thông thường thì sẽ là vài tuần, thậm chí là phải trải qua 6 tuần điều trị thì mới khỏi hoàn toàn.

Ngoài ra, nếu mẹ bỉm có một chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và nghỉ ngơi tốt, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ thì tình trạng nổi mề đay sẽ nhanh khỏi hơn. Cần lưu ý rằng, mẹ có thể bị nổi mề đay nhiều lần. Nổi mề đay có thể quay trở lại nếu mẹ bỉm ở gần, tiếp xúc hoặc ăn những chất gây dị ứng.

Cách chữa nổi mề đay sau sinh chuẩn nhất

Có hai cách để chữa nổi mề đay sau sinh một cách khoa học. Đó là tự điều trị tại nhà, kết hợp sử dụng thuốc (nhờ bác sĩ tư vấn trước khi dùng) hoặc đến phòng khám kiểm tra và điều trị dưới sự hỗ trợ của bác sĩ có chuyên môn.

Tự điều trị nổi mề đay sau sinh tại nhà

Khi mới bị nổi mề đay sau sinh, mẹ bỉm có thể tự chữa nổi mề đay tại nhà bằng các phương pháp tự nhiên. Sau đây sẽ là một số gợi ý giúp mẹ làm dịu làn da đang bị nổi mề đay và kiểm soát cơn ngứa hiệu quả.

  • Uống nhiều nước lọc hơn để cơ thể nhanh thanh lọc được các tác nhân gây nên tình trạng nổi mề đay sau sinh ở mẹ bỉm.
  • Tắm nước mát (hoặc nước ấm) giúp làm dịu làn da đang nhạy cảm của mẹ bỉm và loại bỏ các vi khuẩn bám trên bề mặt da của mẹ.
  • Chợp mắt hoặc thư giãn bất cứ khi nào mẹ bỉm có thời gian. Điều này sẽ giúp cơ thể có thêm năng lượng, giúp quá trình thải độc diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
  • Thoa gel lô hội nguyên chất, kem dưỡng da tự nhiên như kem dưỡng bơ hạt mỡ giúp làm dịu và chữa lành (giảm ngứa) các khu vực bị nổi mề đay sau sinh.
  • Quấn khăn ướt lên da vào trong một khoảng thời gian nhất định (15 – 30 phút) để làm mát, làm dịu các khu vực nổi mề đay.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí (đặc biệt là vải cotton) để tránh các chất gây dị ứng (Khi mẹ bỉm biết mình đang bị dị ứng với chất gì).
  • Ăn đúng giờ, đa dạng thực đơn hằng ngày (tránh các thực phẩm khiến mẹ dị ứng hoặc dễ gây dị ứng) và ngủ sớm, ngủ đủ giấc để bù năng lượng, đẩy nhanh quá trình thải độc.
Nghỉ ngơi sau sinh
Mẹ nên chợp mắt nghỉ ngơi nhiều hơn

Điều trị nổi mề đay tại phòng khám

Điều trị ở nhà chỉ có thể áp dụng khi tình trạng nổi mề đay sau sinh của mẹ bỉm không quá nghiêm trọng và mẹ bỉm biết được nguyên nhân khiến mình bị nổi mề đay. Nếu mẹ không xác định được nguyên nhân gây dị ứng và các khu vực nổi mề đay ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn thì mẹ bỉm cần phải kiểm tra trực tiếp với bác sĩ.

Bác sĩ sẽ xem xét mức độ nổi mề đay của mẹ bỉm và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân khiến mẹ bỉm bị nổi mề đay sau sinh. Sau đó, bác sĩ sẽ thông báo kết quả với mẹ bỉm, chia sẻ một số lưu ý trong quá trình điều trị và căn cứ theo thể trạng, cơ địa của từng mẹ bỉm mà kê đơn thuốc. Vì đảm bảo an toàn cho bé cưng của mẹ bỉm, các bác sĩ sẽ không kê thuốc uống mà thường sẽ kê thuốc thoa.

Thuốc trị mề đay sau sinh

Kết hợp điều trị thêm với thuốc tại nhà

Trong hầu hết các trường hợp bị nổi mề đay sau sinh, mẹ bỉm có thể thông qua một số gợi ý điều trị tại nhà để chữa mề đay và không cần dùng thuốc. Thuốc bôi da chỉ được dùng cho những mẹ bỉm bị nổi mề đay nghiêm trọng và có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc có thể được kê đơn để mẹ bỉm điều trị nổi mề đay.

  • Kem điều trị các tổn thương da steroid như betamethasone valerate hoặc prednisolone trong trường hợp mẹ nổi mề đay sưng và ngứa nghiêm trọng.
  • Kem dưỡng da, chống ngứa kháng histamin như phenergan.
  • Các loại kem dưỡng da và chống ngứa an toàn, phù hợp để mẹ bỉm sử dụng.
  • Thuốc có thành phần là axit ursodeoxycholic (hoặc thuốc Udiliv) khi mẹ bỉm bị nổi mề đay do mất cân bằng gan nghiêm trọng.

Theo các nghiên cứu y tế, các loại kem steroid và các loại thuốc trị dị ứng như kháng histamin đều an toàn để sử dụng cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Nhưng nếu mẹ bỉm bị nổi mề đay sau sinh và đang cho con bú, hãy hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi áp dụng hoặc dùng bất kỳ loại thuốc nào. Tốt nhất là mẹ chỉ nên dùng thuốc bôi khi được kê đơn và hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ.

Nguyên nhân làm mẹ bỉm nổi mề đay

Mẹ bỉm có thể bị nổi mề đay sau sinh vì nhiều lý do gồm dị ứng, nhiễm trùng, gan hoạt động yếu và một số nguyên nhân dễ nổi mề đay khác.

Dị ứng

Nếu trước khi mang thai mẹ chưa từng bị dị ứng hoặc bị dị ứng rất nhẹ thì việc mang thai có thể khiến chúng trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những thay đổi của cơ thể mẹ bỉm trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn đến nổi mề đay sau sinh.

Những thay đổi trong chế độ ăn uống của mẹ trong khi mang thai (và sau sinh) cũng có thể thay đổi sức khỏe đường ruột của mẹ. Điều này đôi khi có thể làm cho hệ miễn dịch hoạt động quá tải gây nên dị ứng.

Dị ứng là nguyên nhân chủ yếu khiến mẹ bị nổi mề đay sau sinh
Dị ứng là nguyên nhân chủ yếu

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng từ các loại vi trùng (vi khuẩn và vi rút) cũng có thể tạm thời khiến hệ thống miễn dịch của mẹ gặp khó khăn. Điều này có thể dẫn đến nổi mề đay sau sinh và các triệu chứng dị ứng khác. Khi mang thai, nếu mẹ bị bệnh thì những vi trùng này vẫn tìm cơ hội để “lưu trú” trong cơ thể mẹ cho đến khi sinh. Sau khi mẹ sinh, những vi trùng này có thể tận dụng cơ hội hệ miễn dịch thả lỏng sau sinh để “làm loạn”.

Gan hoạt động yếu

Khi mang thai, cơ thể mẹ có thể sẽ phải hoạt động quá sức, điều này sẽ gia tăng sức ép cho các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan. Điều này có thể làm cho gan của mẹ chậm lại trong quá trình thanh lọc máu. Lúc này, các chất thải sẽ bắt đầu tích tụ trong máu của mẹ bỉm. Hậu quả là làm cho mẹ bỉm bị nổi mề đay sau sinh.

Một số nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây nổi mề đay sau sinh bao gồm các khía cạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của mẹ. Tóm lại, có rất nhiều điều cần được giải quyết và thay đổi để làm quen ngay sau khi mẹ bỉm sinh con.

Mẹ bỉm sẽ dễ bị nổi mề đay nếu:

  • Thiếu ngủ.
  • Truyền máu.
  • Cảm thấy lo lắng hoặc chán nản.
  • Cảm thấy lạnh hoặc nóng.
  • Thay đổi chế độ ăn uống.Cảm thấy căng thẳng hoặc lên cơn hoảng loạn thất thường.
  • Phơi nắng, tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác.
  • Mặc quần áo chật.
  • Ở gần hoặc tiếp xúc với những tác nhân, nguyên nhân dễ gây nên tình trạng nổi mề đay sau sinh.

Nổi mề đay sau sinh không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng nếu mẹ bỉm điều trị sớm và hoàn toàn có thể điều trị tại nhà bằng những phương pháp khoa học. Nếu tình trạng nổi mề đay của mẹ bỉm ngày một nghiêm trọng, mẹ bỉm phải liên hệ với bác sĩ và thực hiện kiểm tra càng sớm càng tốt!