Hiện tượng băng huyết là một trong những tình trạng rất nguy hiểm. Thậm chí, đây được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ sau sinh trên thế giới. Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 140.000 sản phụ tử vong do tình trạng băng huyết. Vậy cụ thể, nguyên nhân và cách xử lý khi bị băng huyết như thế nào?

1. Những điều cần biết về hiện tượng băng huyết sau sinh
Hiện tượng băng huyết sau sinh là tình trạng máu chảy ra với lượng nhiều, một cách đột ngột hoặc từ từ. Máu có thể chảy ra từ bên trong tử cung hoặc con đường sinh dục của chị em phụ nữ. Lượng máu chảy ra được xác định trên 500ml đối với phương pháp sinh thường, 1000ml đối với phương pháp phẫu thuật lấy bé ra.
Hiện tượng băng huyết sau sinh do đâu?
Sau quá trình sinh nở, tử cung của người phụ nữ sẽ thực hiện hoạt động co bóp giúp đẩy nhau thai ra bên ngoài. Một khi nhau thai đã được đẩy ra ngoài, sẽ xuất hiện những cơn co thắt nhằm tạo áp lực lên mạch máu, hạn chế lượng máu chảy ra ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bất thường, tử cung không thực hiện việc co bóp hoặc co bóp không đủ mạnh sẽ gây nên tình trạng chảy máu tự do. Lý do này được xem là phổ biến nhất gây nên hiện tượng băng huyết sau sinh đáng báo động ở chị em phụ nữ.
Ngoài ra, tình trạng chảy máu nhiều sau sinh còn do một số nguyên nhân sau đây gây nên:
– Sau nhiều lần sinh đẻ, cơ tử cung của bạn đã yếu không thể co bóp mạnh để ngăn máu chảy ra.
– Các bệnh lý về u xơ tử cung, sự dị dạng của tử cung cũng gây ảnh hưởng không nhỏ.
– Tình trạng cơ thể của sản phụ suy nhược, thiếu máu trầm trọng và huyết áp tăng.
– Từng có tiền sử nạo, hút thai quá nhiều lần.
– Quá trình chuyển dạ kéo dài gây mất sức, tử cung hoạt động quá mức, xuất hiện sự nhiễm khuẩn.
– Tình trạng đa thai, đa ối khiến cho tử cung phải thwujc hiện căng giãn quá mức.

Phân loại hiện tượng băng huyết sau sinh
Hiện tượng băng huyết sau sinh được chia thành 2 loại sau đây:
– Tình trạng băng huyết nguyên phát: Đây là tình trạng máu chảy ra nhiều và được xác định sớm. Thông thường, tình trạng băng huyết này sẽ bắt đầu xảy ra sau một ngày em bé chào đời.
– Tình trạng băng huyết thứ phát: Khác với sự xuất hiện sớm của băng huyết nguyên phát, băng huyết thứ phát sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 12 tuần sau ngày con yêu của bạn chào đời. Lượng thời gian kéo dài là tình trạng đáng lo ngại. Trung bình cứ 100 sản phụ thì có 2 trường hợp không may bị băng huyết thứ phát.
2. Những dấu hiệu của băng huyết sau sinh
Hiện tượng băng huyết sau sinh thực sự nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của chị em phụ nữ. Tình trạng này xuất hiện với những dấu hiệu cảnh báo như sau:
– Sự xuất hiện của máu bất thường, đột ngột và với lượng nhiều.
– Lượng máu chảy ra với màu đỏ tươi.
– Thần sắc nhợt nhạt, da xanh xao, chân tay có hiện tượng lạnh và huyết áp tụt.
– Nhịp tim đập thất thường, có thể rất nhanh.
– Xuất hiện tình trạng đau vùng bụng dưới.

Ngoài ra, còn có thể có những dấu hiệu bất thường khác của cơ thể khi bị băng huyết, tùy vào cơ địa của từng người mà sẽ có một số biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, chị em phụ nữ sau sinh cần đặc biệt lưu ý, nếu cơ thể cảm thấy có những dấu hiệu bất thường nào thì nên chủ động thăm khám để có thể kiểm tra, phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những diễn biến xấu xảy ra.
3. Tình trạng băng huyết sau sinh có nguy hiểm không?
Mức độ nguy hiểm của hiện tượng băng huyết sau sinh phụ thuộc vào lượng máu chảy ra, các biện pháp xử lý kịp thời tình trạng này. Việc cầm máu và xử lý kịp thời giúp giảm thiểu những biến chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của sản phụ.
Các biến chứng nặng nhẹ của tình trạng này là gây ra hiện tượng choáng váng, suy gan, thận, các cơ quan khác và tử vong. Khi tình trạng băng huyết xảy ra, những vi khuẩn có hại sẽ có cơ hội để xâm nhập vùng kín, gây nên tình trạng nhiễm trùng hậu sản.
Ngoài ra, băng huyết sau sinh còn để lại những biến chứng lâu dài cho chị em phụ nữ như:
– Xuất hiện tình trạng thiếu máu do lượng máu bị mất đi quá nhiều.
– Gây viêm tắc động tĩnh mạch.
– Tình trạng suy nhược cơ thể, không có sữa cho con bú, hoặc vô sinh sau này.
– Là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ bởi việc xử lý không kịp thời hiện tượng băng huyết sẽ gây tổn thương buồng trứng, tử cung,…

4. Các biện pháp giúp giảm thiểu hiện tượng băng huyết sau sinh
Hiện tượng băng huyết sau sinh đang diễn ra khá phổ biến ở chị em phụ nữ, họ cảm thấy lo ngại về vấn đề này sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và cả con yêu của họ. Thời gian sau sinh, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho con, nếu mẹ bị băng huyết sẽ gây ảnh hưởng đến con cái.
Do đó, việc tiến hành phòng ngừa tình trạng xấu này xảy ra là rất cần thiết. Một số giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng băng huyết ở chị em phụ nữ sau sinh bao gồm:
– Thực hiện tiêm phòng ngừa hiện tượng băng huyết sau sinh bằng mũi tiêm oxytocin đã được khuyến cáo.
– Đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý trong suốt quá trình mang thai. Bổ sung cho cơ thể nhiều thực phẩm chứa chất sắt, vitamin cần thiết,…
– Luôn chăm sóc vùng kín để thật sạch sẽ, đảm bảo những vi khuẩn có hại không có cơ hội tấn công bộ phận sinh dục. Không đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo.
– Trong quá trình mang thai, người phụ nữ cần thực hiện khám thai định kỳ, vừa giúp theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, vừa để bác sĩ cung cấp sắt và các loại thuốc ngăn ngừa thiếu máu. Điều này sẽ làm cho các biến chứng có thể gặp phải khi bị băng huyết sau sinh giảm nặng.
– Đối với những đối tượng nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị băng huyết sau sinh, nên được theo dõi sát sao trong 6 giờ sau sinh, nhằm đảm bảo khi có những dấu hiệu xấu xảy ra thì được xử lý kịp thời.
– Không tự ý sử dụng bất cứ thủ thuật giúp quá trình sinh đẻ nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyển khoa.
– Tuyệt đối không sử dụng thuốc phá thai tại nhà bởi có thể sẽ xuất hiện tình trạng băng huyết và không thể xử lý kịp thời.
– Sau quá trình sinh đẻ, người phụ nữ cần được chăm sóc đặc biệt để tránh hiện tượng băng huyết và các vấn đề sức khỏe khác. Thực hiện nghỉ ngơi, ăn uống cẩn thận, luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng hay những áp lực.

Trên đây là những thông tin liên quan đến hiện tượng băng huyết sau sinh, những biến chứng có thể gặp phải khi tình trạng này không được xử lý kịp thời. Người mẹ cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, sắt,… để ngăn ngừa tối đa tình trạng này. Chúc mẹ sẽ có một sức khỏe thật tốt sau quá trình mang thai và sinh em bé.