Trong quá trình mang thai, có rất nhiều những bất thường xảy ra. Trong đó không thể không kể đến tình trạng nhau tiền đạo khi mang thai. Gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản phụ và thai nhi.
1 .Nhau tiền đạo là gì?
Nhau thai là nối nối để thai nhi có thể nhận chất dinh dưỡng từ máu mẹ, và đào thải các chất thải từ thai ra máu mẹ. Bình thường, nhau thai bám ở vị trí thân tử cung gần sát về phía đáy tử cung. Nhưng khi có sự bất thường của thai khiến nhau thai bám thấp hơn gây nên tình trạng nhau thai cho lấp một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung gọi là nhau tiền đạo.

Về nguyên nhân gây nên nhau tiền đạo, có rất nhiều các giả thiết khoa học khác nhau đã được đưa ra, nhưng chưa có giả thiết nào có thể giải thích hoàn toàn hiện tượng này. Giả thiết được chấp nhận nhiều nhất hiện nay cho rằng, sự thiểu dưỡng của lớp niêm mạc tử cung bởi các vết sẹo cũ khiến nhau thai phải trải trên một diện tích rộng hơn để có thể lấy đủ chất dinh dưỡng nuôi thai.
Nhau tiền đạo có nhiều thể khác nhau, mỗi thể của bệnh lý sẽ có những biểu hiện, tiên lượng và có những hướng xử trí khác nhau. Các thể của nhau tiền đạo được phân chia chủ yếu dựa theo mức độ hạ thấp của mép bánh nhau và mức độ che lấp lỗ tử cung. Bao gồm các thể từ nhẹ đến nặng là:
- Nhau bám thấp
- Nhau bám mép
- Nhau tiền đạo bán trung tâm
- Nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn
2. Những ai có nguy cơ bị nhau tiền đạo?
Như đã nói, nguyên nhân thật sự gây nên nhau tiền đạo đến nay vẫn chưa có lời giải thật sự, nhưng qua những thống kê y học cho thấy một số nhóm đối tượng sau có tỷ lệ mắc nhau tiền đạo cao bất thường.
– Mang đa thai:
Những phụ nữ mang đa thai là những phụ nữ được xếp vào nhóm nguy cơ cao mắc nhau tiền đạo. Điều này có thể được giải thích dựa vào sự tăng nhu cầu dinh dưỡng để cung cấp cho đa thai. Cần cung cấp dinh dưỡng cho nhiều thai cùng một lúc nên nhu cầu dinh dưỡng cũng trở nên cao hơn, vì vậy thúc đẩy bánh nhau phải tăng diện tích, bám thấp xuống dưới và gây nên nhau tiền đạo.
– Có tiền sử nạo phá thai nhiều lần:
Nhóm phụ nữ tiếp theo có nguy cơ cao mắc nhau tiền đạo là những phụ nữ đã từng có tiền sử nạo phá thai nhiều lần. Can thiệp nạo phá thai nhiều lần gây tác động xấu lên lớp niêm mạc tử cung, giảm khả năng tái tạo lớp niêm mạc, để lại các sẹo, tổn thương hệ mạch dưới niêm mạc khiến không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai.

Do đó để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho thai nhi, nhau thai buộc phải tăng diện tích và khiến nguy cơ nhau tiền đạo tăng lên.
– Có vết sẹo mổ lấy thai:
Tương tự như các phụ nữ có tiền sử nạo phá thai nhiều lần, những phụ nữ có vết mổ lấy thai ở các lần sinh trước cũng có nguy cơ bị nhau tiền đạo cao hơn nhiều so với các phụ nữ không sinh mổ. Những vết sẹo để lại do quá trình mổ lấy thai có thể làm tổn thương lớp niêm mạc cũng như gây nên sự làm tổ thấp bất thường của hợp tử gây nên nhau tiền đạo.
3. Những dấu hiệu của nhau tiền đạo:
Một số các trường hợp nhau tiền đạo không có các biểu hiện rõ ràng, khó để thăm khám thậm chí chỉ được xác định là nhau tiền đạo sau khi đã sinh chẳng hạn các bệnh nhân ở thể nhau bám thấp. Nhưng đa phần, các sản phụ có nhau tiền đạo đều có những triệu chứng khá đặc trưng và có thể tự phát hiện các triệu chứng này hoặc cũng có thể được phát hiện qua thăm khám.
– Ra huyết:
Ra huyết bất thường là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện nhau tiền đạo. Những sản phụ có nhau tiền đạo thường ra huyết khi thai kỳ ở ba tháng cuối, tức thời kỳ thai tăng nhanh về khối lượng và kích thước.
Sự tăng nhanh về khối lượng và kích thước thai trong giai đoạn này khiến phần eo tử cung giãn nhanh tạo nên phần dưới tử cung. Sự giãn quá nhanh này khiến một phần bánh nhau không giãn theo kịp gây nên sự bong một phần của nhau. Vì vậy xuất hiện hiện tượng ra huyết.

Một đặc điểm rất quan trọng để phân biệt ra huyết do nhau tiền đạo và ra huyết do nhau bong non hoặc ra huyết sau khi có các va đập hoặc vận động mạnh chính là ra huyết do nhau tiền đạo thường không đau bụng. Ra huyết thường là liên tục, tái diễn nhiều lần với số lượng không lớn, nhưng đôi khi cũng có thể ra huyết một cách ồ ạt.
– Bánh nhau hạ thấp khi siêu âm:
Dấu hiệu chính xác nhất để có thể xác định nhau tiền đạo chính là dấu hiệu bánh nhau hạ thấp trên màn hình siêu âm. Thông qua siêu âm thấy được bánh nhau hạ thấp, có hoặc không có sự che lấp lỗ trong tử cung có thể phát hiện được. Đây là cận lâm sàng đáng tin cậy góp phần chẩn đoán nhau tiền đạo bên cạnh thăm khám lâm sàng.
4. Nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào?
Với vai trò là cầu nối cung cấp oxi, chất dinh dưỡng cho thai nhi đồng thời là nơi đào thải chất độc của thai nhi ra máu của mẹ để tống chất độc ra môi trường. Sự bất thường về vị trí, cấu trúc của bánh nhau trong nhau tiền đạo gây nên những nguy cơ rất lớn đối với cả mẹ và thai nhi.
a. Nguy cơ đối với mẹ:
– Gây mất máu ở mẹ:
Nhau tiền đạo có thể là nguyên nhân gây nên mất máu ở mẹ. Trong nhau tiền đạo thường là mất máu rỉ rả, số lượng không quá lớn nhưng kéo dài trong thời gian liên tục khiến mẹ bị mất máu liên tục dẫn đến thiếu máu. Những bà mẹ bị mất máu do nhau tiền đạo có thể biểu hiện bằng các triệu chứng của hội chứng thiếu máu như da xanh, tay chân lạnh, …
Trong một số trường hợp, nếu mất máu do nhau tiền đạo diễn ra nhanh, ồ ạt có thể gây nên tình trạng mất máu cấp ở mẹ. Mất máu cấp với thể tích nhiều gây nên giảm thể tích tuần hoàn có thể diễn tiến thành trụy tim mạch gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
– Dễ hình thành nhau cài răng lược:
Những sản phụ có nhau tiền đạo rất dễ mắc phải một tình trạng nghiêm trọng hơn gọi là nhau cài răng lược. Bình thường bánh nhau chỉ bám ở lớp niêm mạc tử cung, nhưng trong trường hợp nhau cài răng lược bánh nhau bám sâu vào lớp cơ tử cung thậm chí xuyên qua lớp cơ này đến các cơ quan như bàng quang, trực tràng, …
Nếu những trường hợp nhau cài răng lược không được phát hiện sớm mà cài vào vết mổ rất có thể gây vỡ tử cung khi thai lớn gây chảy máu ồ ạt chết cả mẹ cả thai.
b. Đối với thai nhi:
Ngoài những nguy hiểm đối với mẹ, nhau tiền đạo cũng gây nên những nguy cơ rất lớn đối với thai nhi. Vị trí bánh nhau hạ thấp bất thường, nằm trên đường đi của thai nhi khi sinh, thậm chí là che khuất hoàn toàn đường đi của thai nhi khiến thai nhi không thể đi ra ngoài bằng các biện pháp sinh thường.
Bên cạnh đó, sự bong nhau trong nhau tiền đạo ngoài gây các biểu hiện thiếu máu ở mẹ còn là nguyên nhân trực tiếp gây nên sinh non do thiếu dinh dưỡng thai nhi. Những bé được sinh ra nếu tuổi thai quá nhỏ có thể mắc phải nhiều dị tật khác nhau như còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ, sức đề kháng kém.
Một số trường hợp, nhau tiền đạo bong quá nhiều gây nên mất máu cấp có thể gây nên suy thai, nếu không được cứu trị kịp thời rất có thể khiến thai bị chết.
5. Cần làm gì khi phát hiện bị nhau tiền đạo?
Đa phần các sản phụ khi phát hiện ra mình bị nhau tiền đạo đều rất lo lắng và hoảng hốt. Nhưng sự lo lắng và hoảng hốt của các sản phụ không phải là điều tốt, khi mà nó gây áp lực rất lớn đối với tâm lý của sản phụ và cho cả gia đình, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực với thai nhi. Vậy khi phát hiện mình bị nhau tiền đạo, sản phụ nên làm gì?
– Khi có thai nên đi khám thai sớm, nếu phát hiện thai bám vết mổ cũ thì cần chấm dứt thai kỳ,
– Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động:
Những sản phụ phát hiện mình bị nhau tiền đạo nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động, hạn chế tác dụng lực vào vùng bụng. Đôi khi sản phụ cần phải nằm tuyệt đối và hoàn toàn kiêng giao hợp để phòng ngừa các nguy cơ.

– Theo dõi liên tục:
Bên cạnh nghỉ ngơi nhiều và hạn chế vận động, sản phụ bị nhau tiền đạo cần được theo dõi liên tục trong thời gian mang thai để có thể đưa ra hướng xử trí kịp thời. Nếu không có hiện tượng ra huyết có thể dưỡng thai đến trên 37 tuần và mổ lấy thai. Nếu có hiện tượng ra huyết quá nhiều bất buộc phải mổ lấy thai bất chấp tuổi thai để đảm bảo sinh mạng cho mẹ.
– Sử dụng các biện pháp hỗ trợ:
Sử dụng thêm các biện pháp hỗ trợ như chích thuốc hỗ trợ phổi lúc 28 đến 30 tuần tuổi thai.
Nếu sử dụng các biện pháp này hợp lý và những biến chứng mà nhau tiền đạo gây nên không quá lớn, sản phụ có thể dưỡng thai đến gần ngày sinh.
Nên khám và theo dõi nhau tiền đạo ở các bệnh viện lớn có đủ khả năng phẩu thuật và đủ máu dự trữ .
6. Những khó khăn khi mổ nhau tiền đạo:
Quyết định mổ lấy thai là quyết định được áp dụng ở hầu hết các trường hợp bị nhau tiền đạo. Nhưng mổ lấy thai trong nhau tiền đạo lại gặp phải một số các khó khăn nhất định so với mổ lấy thai thường, có thể kể đến như:
– Chảy máu nhiều:
Đặc thù của nhau tiền đạo là rất dễ gây chảy máu, số lượng máu mất có thể rất nhiều. Do đó mổ nhau tiền đạo yêu cầu có một số lượng máu lớn dự trữ để có thể sử dụng ngay khi có chảy máu ồ ạt xảy ra.
– Liên quan nhiều cơ quan khác:
Nhau tiền đạo rất có thể tiến triển thành nhau cài răng lược và ăn sang các cơ quan khác. Khi nhau xâm lấn sang những cơ quan này sẽ gây nên những khó khăn rất lớn khi bóc tách các gai nhau ra khỏi các cơ quan mà nó đã xâm nhập.
7. Cần làm gì để tránh bị nhau tiền đạo?
Do nhau tiền đạo gây nên những nguy hiểm rất lớn đối với sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi, do đó làm sao để có thể giảm bớt nguy cơ mắc nhau tiền đạo là điều được mọi người quan tâm. Để hạn chế khả năng mắc nhau tiền đạo các chị em nên:
- Không nên sinh đẻ quá nhiều lần.
- Nên hạn chế lựa chọn sinh mổ nếu không thật sự cần thiết.
- Không nên nạo phá thai quá nhiều lần.
- Vệ sinh tốt, điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm ở đường sinh dục.
Qua đó, có thể thấy nhau tiền đạo là một tình trạng vô cùng nguy hiểm khi mang thai. Vì vậy để ngăn ngừa những nguy hiểm do nhau tiền đạo có thể gây nên, các sản phụ nên đi khám thai định kỳ để được chẩn đoán và phát hiện sớm, có hướng điều trị đúng để tránh các nguy hiểm có thể xảy ra.
Để được tư vấn miễn phí và giải đáp mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:
PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA
BS – CKII: PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP
Địa chỉ: 271 Nguyễn Duy Dương, Phường 4, Quận 10
Điện thoại: 033.5155.192
Email: bsdiepbvtudu@gmail.com
Website: sanphukhoatudu-bsdiep.com
Fanpage : https://www.facebook.com/Sanphukhoatudu.bsdiep/