Sức khỏe của thai nhi trong suốt quá trình mang thai là rất quan trọng. Nó quyết định đến việc hình thành và phát triển toàn diện của đứa trẻ lúc chào đời. Vì vậy, tất cả các bà mẹ đều quan tâm làm thế nào để đứa con của mình không bị suy dinh dưỡng trong khi mang thai.
Tuy nhiên kiểm soát cân nặng của thai trong tử cung không đơn giản như khi trẻ đã chào đời, đòi hỏi người mẹ cần có những hiểu biết đầy đủ về sự phát triển của thai. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phần nào giải quyết được những thắc mắc đó.
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Thai suy dinh dưỡng hay suy dinh dưỡng bào thai là tình trạng suy dinh dưỡng sớm nhất mà trẻ có thể mắc phải. Nó được định nghĩa là sự phát triển chậm hoặc kém của thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ. Thông thường nếu như trẻ sinh đủ tháng mà chỉ đạt cân nặng chưa đến 2,5 kg thì được đánh giá là thai suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân thai suy dinh dưỡng
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng thai suy dinh dưỡng như:
Độ tuổi khi mang thai
Khi còn quá trẻ, cơ thể người mẹ chưa hoàn thiện để có thể nuôi thai. Ngược lại, ngoài 30 tuổi, người phụ nữ bắt đầu quá trình lão hóa. Do đó, sinh con quá sớm hay quá muộn đều làm tăng nguy cơ thai nhi bị suy dinh dưỡng vì không được cung cấp đủ chất cần thiết. Để giảm thiểu nguy cơ cho trẻ, mẹ nên kết hôn và sinh con vào giai đoạn từ 25-30 tuổi.
Dinh dưỡng trong thai kỳ
Chế độ ăn chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ cho trẻ. Bà bầu không phải cứ cố gắng ăn nhiều là tốt, số lượng phải đi kèm với chất lượng. Thức ăn của mẹ bầu cần đáp ứng cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Người mẹ không chỉ cần được tẩm bổ khi mang thai mà ngay cả trước khi mang thai, mẹ cũng cần được ăn uống đầy đủ để chuẩn bị sức khỏe đủ tốt trước khi bắt đầu thai kỳ.
Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng đến thai nhi
Sức khỏe của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé. Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp… thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh. Nếu như mẹ có tiền sử mắc các bệnh lý nội khoa như bệnh tim mạch, bệnh lao, bệnh thận, cao huyết áp, tiền sản giật, bệnh nội tiết, sốt rét… thì đó cũng là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng thai. Mẹ nên kiểm tra để điều trị dứt bệnh trước khi có ý định mang thai.
Trường hợp mẹ nghiện rượu, hút thuốc, suy dinh dưỡng, có nhiều vết sẹo mổ trên tử cung, u xơ tử cung, tử cung có vách ngăn, lạc nội mạc tử cung… cũng cần theo dõi sát sao để tránh dẫn tới suy dinh dưỡng bào thai.
Môi trường làm việc của mẹ bầu
Môi trường làm việc của mẹ bầu có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé. Tình trạng sẽ vô cùng xấu nếu mẹ làm việc nặng nhọc, căng thẳng trong môi trường áp lực, ô nhiễm… Mẹ bầu nên chọn những công việc vừa phải, biết sắp xếp thời gian để nghỉ ngơi thư giãn giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Do phần phụ của thai
Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai nếu như bị các bệnh lý về bánh nhau (dày, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo…), dây rốn 1 động mạch, dây rốn bám màng…
Do thai
Thai dễ bị suy dinh dưỡng nếu bị nhiễm trùng bào thai, các rối loạn do bệnh lý di truyền hoặc đa thai.
Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?
Chúng ta thường biết đến tình trạng suy dinh dưỡng có nghĩa là thấp bé nhẹ cân. Điều này hoàn toàn đúng, ngay cả với suy dinh dưỡng bào thai. Trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khi được sinh ra sẽ còi cọc, nhẹ cân, chậm phát triển, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ sau này. Như vậy vẫn chưa hết, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng của các cơ quan trong cơ thể như dễ bị bệnh tim mạch, di chứng xương khớp, dễ bị nhiễm bệnh do suy giảm miễn dịch.
Đặc biệt, não bộ của trẻ phát triển rất mạnh vào ba tháng cuối của thai kỳ, và 3 năm đầu khi sinh. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong những giai đoạn này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm cho não chậm phát triển, trẻ sẽ có biểu hiện tự kỷ, kém thông minh, chậm chạp, tiếp thu kém và bất thường về sự phát triển tâm sinh lý. Ngoài ra, tình trạng này nếu nghiêm trọng sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bé trong bào thai hoặc sơ sinh.
Dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai
Chẩn đoán phát hiện thai suy dinh dưỡng rất dễ dàng. Qua những lần thăm khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá sự phát triển của thai Dựa vào chỉ số về chiều cao tử cung, vòng bụng mà bác sỹ có thể đánh giá được xem thai có bị suy dinh dưỡng hay không.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể căn cứ vào mức độ tăng cân của mẹ trong quá trình mang thai để nhận biết xem thai nhi có bị suy dinh dưỡng không. Thông thường, trong suốt thai kỳ mẹ bầu tăng từ 10-12kg. Nếu cuối thai kỳ mà cân nặng của mẹ chỉ tăng dưới 6kg, nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai khá cao.
Làm thế nào phát hiện sớm và hạn chế thai suy dinh dưỡng
Trước khi kết hôn, hai vợ chồng nên đi khám sức khỏe tiền sản để tầm soát các bệnh lý di truyền, hạn chế các bệnh do viêm nhiễm đường sinh dục như giang mai, Herpes, CMV, Toxoplasma…
Làm thế nào để bạn phát hiện con mình bị suy dinh dưỡng :
+ Người mẹ trung bình tăng khoảng 12-16kg là tốt. Trong 3 tháng đầu tăng khoảng 1kg, 3 tháng giữa tăng khoảng 5kg, 3 tháng cuối tăng khoảng 6kg .
+ Nếu mẹ tăng dưới 10kg trong thai kỳ thì cần phải bồi dưỡng để tránh bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung.
+ Bề cao tử cung đo từ xương mu tới đáy tử cung dưới 30cm ở thai đủ tháng
+ Đi siêu âm cân nặng thấp và các số đo đểu nhỏ hơn so với tuổi thai, thường kèm theo ối ít.
Các bạn có thể tham khảo 1 nghiên cứu về tương quan số tuần và cân nặng của bé, để xem bé của mình có nguy cơ suy dinh dưỡng không
Cân nặng ở cột số O là mức trung bình, không suy dinh dưỡng so với số tuần tương ứng. Nếu càng về (-1),(-2),(-3) thì suy dinh dưỡng càng nặng.
Để ngăn ngừa suy dinh dưỡng bào thai, khi mang thai, mẹ cần được ăn uống đầy đủ, ưu tiên nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng, tránh căng thẳng stress để làm sao đến cuối thai kỳ tăng khoảng 10-12 kg là đạt yêu cầu.
Bạn nên làm gì để bảo vệ con bạn
+ Nên đi khám kiểm tra trước sinh và điều trị dứt điểm các bệnh lý mắc phải.
+ Nghỉ ngơi, ngủ ít nhất 8h/1 ngày, tránh stress khi mang thai.
+ Không dùng chất kích thích như rượu bia, ma túy khi có thai.
+ Đi khám và theo dõi thai đúng lịch hen để phát hiện sớm suy dinh dưỡng.
+ Siêu âm kiểm tra cân nặng mỗi lần khám thai.
+ Kiểm tra cân nặng mẹ mỗi lần khám thai.
+ Siêu âm màu mạch máu những tháng cuối để phát hiện tình trạng giảm lượng máu tới bé.
+ Được chích hỗ trợ phổi sớm cho bé
+ Khám tiền sản cho những bé bị suy dinh dưỡng sớm và nặng để phát hiện sớm bất thường thai.
+ Chú ý thai máy kỹ, thai máy ít nhất 10 lần /ngày, máy đều không hỗn loạn.
+ Mỗi lần khám thai phải được gắn tim thai để phát hiện bất thường cuả thai.
+ Tùy tình trạng suy dinh dưỡng nặng hay nhẹ mà có thể lấy thai ra sớm, có thể mới 32 tuần đã có thể lấy thai ra nếu suy dinh dưỡng nặng, nên bé cần được hỗ trợ đủ trước khi lấy ra ngoài.
Trên đây là một số thông tin mà phòng khám sản phụ khoa Bác sĩ Điệp – Bệnh viện Từ Dũ muốn cung cấp cho bạn. Đừng chủ quan mà hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn mang thai để được kiểm tra và xác định tình trạng thai kỳ, giúp ngăn ngừa và phát hiện sớm tình trạng thai suy dinh dưỡng để được tư vấn biện pháp khắc phục. Chúng tôi cam kết trở thành người bạn đồng hành tin cậy đối với những bà mẹ đã, đang và sẽ mang thai.
Để biết thêm những thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA
BS – CKII: PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP
Email: bsdiepbvtudu@gmail.com
Website: sanphukhoatudu-bsdiep.com