Tiểu đường thai kỳ: chẩn đoán, nguy cơ và điều trị

Việc ăn uống không khoa học điều độ sẽ dễ dẫn đến gây ra tiểu đường thai kỳ là tình trạng bệnh thường gặp khi chị em bước vào giai đoạn mang bầu. Tiểu đường khi mang thai ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, bạn hãy đọc ngay bài viết này để biết cách phòng ngừa, theo dõi và điều trị kịp thời nhé!

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường khi mang thai là tình trạng người phụ nữ khi mang thai bị rối loạn lượng đường trong máu, tình trạng thường sẽ dần dần mất đi sau khi sinh xong. Những người đã bị tiểu đường thai kỳ ở lần đầu mang thai thì khả năng cao là tình trạng này sẽ quay lại ở lần mang thai thứ hai.

Về cơ bản, tiểu đường thai kỳ cũng giống như bệnh tiểu đường ở những người bình thường, do tuyến tụy giảm tiết insulin do đó glucose không được chuyển hóa thành năng lượng để nuôi cơ thể mà tích lũy làm tăng đường máu. Những triệu chứng khi bị tiểu đường thai kỳ thường không rõ rệt và thường bị nhầm lẫn với những triệu chứng của mang thai nên ít được để ý. Tiểu đường thai kỳ kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng cho sức khỏe cho cả mẹ và bé. Do đó, mẹ cần đi kiểm tra thường xuyên để phát hiện được bệnh và có biện pháp điều chỉnh hợp lý.

Phụ nữ trong thời kỳ mang thai dễ bị tiểu đường
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai dễ bị tiểu đường

Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai được gọi là bị tiểu đường khi xét nghiệm máu cho kết quả:

  • Đường máu được đo khi đang đói lớn hơn 95 mg glucose/100ml máu.
  • Đường máu được đo sau khi ăn khoảng 1 giờ lớn hơn 180 mg glucose/100ml máu.
  • Đường máu được đo sau khi ăn từ 2 – 4 giờ lớn hơn 140 mg glucose/100ml máu.

Ngoài ra, có một số triệu chứng giúp bạn nghi ngờ bị tiểu đường. Bạn nên theo dõi và nếu như thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường này thì hãy đi kiểm tra ngay nhé:

  • Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều.
  • Tăng cân trên 20 kg.
  • Thai to nhiều nước ối.
  • Thai chết lưu.
  • Nước tiểu có kiến bu.
  • Hay nổi mụn nhọt, vết thương khó lành.
  • Viêm nhiễm nang lông
  • Nhiễm nấm, ngứa nhiều và tái đi tái lại nhiều lần.
  • Những người béo phì thường có các vùng da đậm màu ở các vùng nách, háng, cổ.
Xét nghiệm tiểu đường thia kỳ thường xuyên
Mẹ bầu cần xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra đường huyết

Những người có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cao

Tuy tiểu đường khi mang thai là tình trạng phổ biến tuy nhiên có một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Những người đó là:

  • Người có người thân có quan hệ trực hệ (cha, mẹ, ông, bà) đã từng bị tiểu đường.
  • Người mang thai lần 2 mà lần trước đã bị tiểu đường hay có nguy cơ tiểu đường phải điều chỉnh chế độ ăn.
  • Trước đây đã sinh con lớn hơn 4 kg.
  • Trước đây đã gặp phải tình trạng thai chết lưu, đặc biệt là chết lưu ở 3 tháng cuối thai kỳ hay sinh con bị dị tật.
  • Những người đã bị sẩy thai ít nhất 3 lần liên tiếp.
  • Những bà mẹ mang thai bị béo phì hoặc ăn uống quá mức.

Tiểu đường thai kỳ có gây nguy hiểm không?

Vì tiểu đường thai kỳ thường có ít triệu chứng và chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm máu nên những bà mẹ bị tiểu đường khi mang thai cũng ít bị ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt. Tuy nhiên nó lại có khả năng gây nguy hiểm cho mẹ lúc sắp sinh và trong khi sinh. Hơn nữa, tiểu đường thai kỳ cũng có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của đứa trẻ. Cụ thể như sau:

Đối với sức khỏe của mẹ bầu:

  • Mẹ bị tiểu đường thai kỳ dễ xảy ra tiền sản giật, tỉ lệ xuất hiện sản giật ở nhóm phụ nữ này cao gấp 4 lần so với người bình thường.
  • Mẹ dễ bị cao huyết áp, ảnh hưởng tim mạch hay võng mạc mắt.
  • Khi bị tiểu đường, thai nhi thường to hơn rất nhiều nên khi sinh dễ gây những chấn thương cho người mẹ như: gãy xương đòn, trật khớp… Phần lớn những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ được chỉ định mổ lấy thai hơn là sinh thường.
  • Dễ gặp nguy cơ bị băng huyết sau sinh.
  • Có thể xảy ra tình trạng sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối sẽ gây nguy hiểm cho cả sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé.

Đối với sức khỏe của thai nhi

  • Do tuần hoàn của mẹ và bé là chung nhau nên khi lượng đường trong máu của mẹ tăng sẽ làm tăng lượng đường ở cơ thể thai nhi. Vì vậy, thai nhi trong cơ thể mẹ sẽ phát triển nhanh hơn bình thường vì thế dễ dẫn đến tình trạng tiểu đường, béo phì sau này.
  • Thai nhi trong cơ thể mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh và tim mạch… cũng như bị dị dạng toàn thân.
  • Đường huyết cao làm cơ thể kích thích tăng tiết insulin có nguy cơ ảnh hưởng đến phổi và gây nên tình trạng trẻ bị suy hô hấp cấp.
  • Những đứa trẻ này có tỷ lệ tử vong chu sinh tăng cao từ 2 – 5 lần so với những đứa trẻ bình thường.
  • Vì trẻ đã quen với môi trường nhiều glucose trong cơ thể người mẹ nên khi mới sinh ra, nguồn glucose giảm đột ngột khiến trẻ dễ gặp hiện tượng hạ đường huyết và tụt canxi.

Khi bị tiểu đường thai kỳ phải làm thế nào?

Để tránh những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe cũng như tính mạng của mẹ và bé, bạn cần lưu ý những điểm sau đây:

Thường xuyên kiểm tra định kỳ

Khi mang thai, bạn nên đi khám và làm xét nghiệm định kỳ để có thể phát hiện bệnh trong thời gian sớm nhất. Nếu bạn đã được chẩn đoán là bị tiểu đường thai kỳ, nên đến trực tiếp các phòng khám chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn dùng thuốc theo đơn. Trong quá trình điều trị, sản phụ cũng cần phải thường xuyên kiểm tra theo lịch hẹn lượng đường trong máu để theo dõi tình trạng bệnh kịp thời để có những điều chỉnh về thuốc, chế độ ăn và sinh hoạt hợp lý.

Dinh dưỡng cho bà bầu
Ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Uống thuốc theo hướng dẫn

Phụ nữ bị tiểu đường khi mang thai cũng có thể uống thuốc để điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, không phải loại thuốc tiểu đường nào cũng được dùng bởi vì nhiều loại thuốc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, nếu tình trạng của bạn cần dùng thuốc, bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn những loại thuốc phù hợp. Bạn tuyệt đối phải tuân thủ theo đơn thuốc của bác sỹ, không được tự ý đổi thuốc, dùng thêm thuốc hay ngừng thuốc để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc nhé.

Có chế độ ăn uống lành mạnh

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn nhiều chất xơ và các loại ngũ cốc tự nhiên, chất béo có lợi cho cơ thể như dầu oliu, dầu thực vật. Bạn nên tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và tinh bột, các loại đồ uống có ga. Sản phụ nên chia nhỏ các bữa ăn, hợp lý nhất là có 3 bữa chính và 2 – 3 bữa phụ, không nên ăn quá no và tuyệt đối không được bỏ qua bữa sáng. Bạn nên ăn chậm và dừng lại khi vừa đủ no.

Đảm bảo chế độ nghỉ ngơi hợp lý

Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần được sắp xếp công việc để có thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Đặc biệt, mẹ không được mang tâm lý buồn chán, lo lắng, stress vì sẽ dễ làm bệnh nặng thêm.

Luyện tập thể dục thường xuyên

Nhiều người nghĩ rằng khi có thai, chúng ta nên hạn chế vận động. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, vận động thường xuyên sẽ làm tăng quá trình chuyển hóa đường đến các cơ quan, giúp giảm lượng đường trong máu. Có nhiều bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với bà bầu như đi bộ, yoga, … Tập luyện thường xuyên còn giúp cơ thể mẹ dẻo dai, khắc phục chứng đau lưng, chuột rút…

Bác sĩ Điệp

Trên đây là toàn bộ những thông tin về tình trạng tiểu đường khi mang thai mà phòng khám Bác sĩ Điệp muốn cung cấp cho bạn, giúp bạn làm giàu thêm cẩm nang mang thai của mình. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy đến với chúng tôi tại 271 Nguyễn Duy Dương, phường 4, quận 10 hoặc gọi tới 0903 380 726 để được hỗ trợ tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Chúc mẹ con bạn mạnh khỏe.

Để biết thêm những thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA

BS – CKII: PHẠM THỊ NGỌC ĐIỆP

Địa chỉ: 271 Nguyễn Duy Dương, Phường 4, Quận 10

Điện thoại: 033.5155.192

Email: bsdiepbvtudu@gmail.com

Website: sanphukhoatudu-bsdiep.com

Fanpage: https://www.facebook.com/Sanphukhoatudu.bsdiep/